Hội thảo Thánh nhạc toàn quốc lần thứ 47

TGPSG– Ủy ban Thánh nhạc (UBTN)  trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Thánh nhạc Toàn quốc lần thứ 47 tại Trung tâm Mục vụ (TTMV) TGP Sài Gòn lúc 8g15 thứ Ba ngày 20-4-2021, dưới sự chủ tọa của Đức Giám Mục (ĐGM) Alôsiô Nguyễn Hùng Vị – Chủ tịch UBTN và linh mục (Lm) Rôcô Nguyễn Duy – Thư ký UBTN.

Tham dự Hội Thảo có khoảng 160 người thuộc: Ban thường vụ UBTN toàn quốc, Thư ký của một số Ủy ban Giám mục liên hệ, các Trưởng Ban Thánh nhạc của 27 Giáo phận và các thành viên, các linh mục đặc trách Thánh nhạc của các chủng viện, các vị đặc trách Thánh nhạc của các hội dòng, các linh mục là cộng tác viên của UBTN toàn quốc cùng các nhạc sĩ (Ns), ca trưởng Thánh nhạc, các giảng viên Thánh nhạc tại TTMV TGPSG.

Khai mạc

Buổi Hội thảo được bắt đầu với giây phút cầu nguyện để xin Chúa thánh hóa. Sau đó, Lm Rôcô chia sẻ thông tin thời sự về Thánh nhạc và Giáo hội, với một số tin như sau:

  1. Sáng thứ Bảy 28.11.2020, lần đầu tiên Đức TGM Giuse Nguyễn Năng đã gặp gỡ các tham dự viên trong Ngày hội Thánh nhạc năm 2020. Đức TGM Giuse đã nhắn nhủ những điều quan trọng cùng các lưu ý về Thánh nhạc.
  2. Chiều 25.1.2021, cuối Thánh lễ, Đức TGM Giuse đã nhắn nhủ với ca đoàn hát lễ ngày hôm đó về việc ca đoàn đã hát Kinh Tin Kính không phải là kinh chính thống của Giáo hội, thiếu một số định tín của Giáo hội. Ngài đề nghị chỉ sử dụng một trong hai Kinh Tin Kính đã được ghi trong sách Lễ Rôma. Đó là Kinh Tin Kính của Công đồng Nicea và Kinh Tin Kính  của các Thánh Tông đồ.
  3. Dưới sự chỉ đạo của ĐGM Chủ tịch UBTN, UBTN đang rà soát lại các bài hát được chuẩn nhận (Imprimatur); tất cả để làm vinh danh Chúa và ơn Thánh hóa cho giáo dân. Vì vậy, chúng ta hãy làm đúng theo những gì Giáo hội dạy.
  4. Ngày 08.4.2021, nhân dịp kỷ niệm 50 năm linh mục của Lm Thành Tâm, CSsR, Lm Rôcô đã đại diện Ban Thánh nhạc tặng món quà nhỏ cho ngài. Lm Thành Tâm là Lm nhạc sĩ đã sáng tác nhiều bài thánh ca dành cho giới trẻ và là người khai sáng nhóm Nhạc vào đời.

Phần đề tài

“Cung hát Chủ tế” là đề tài chính của Hội thảo

Nhân dịp UB Phụng Tự chuẩn bị phát hành sách Lễ Rôma phiên bản mới, vâng lời ĐGM chủ tịch UBTN, một nhóm các nhạc sĩ đã cùng nhau biên soạn Cung hát Chủ tế (CHCT) đơn giản theo văn bản mới.

Ns P. Kim đã đại diện nhóm biên soạn để trình bày bài phân tích gồm năm phần chính: (1) Tầm quan trọng của CHCT; (2) Thẩm quyền chuẩn nhận; (3) Hướng dẫn của Giáo hội về việc biên soạn CHCT; (4) Khảo sát CHCT trong bình ca; (5) Đôi nét về CHCT của nhóm biên soạn.

Ngoài việc giải thích những ý tưởng, nguyên tắc và kỹ thuật được cả nhóm áp dụng để biên soạn, bài phân tích còn nhằm mục đích khơi gợi và động viên các nhạc sĩ quan tâm đến việc soạn thảo thêm các cung điệu khác, ngõ hầu trong tương lai, thánh ca phụng vụ Việt Nam có thể tập hợp được nhiều cung điệu hay.

Các điểm nhấn của bài phân tích:

  1. Tầm quan trọng của CHCT

Thông thường, chúng ta thường hiểu “lễ hát” là một Thánh lễ có hát các phần: ca nhập lễ, đáp ca, ca hiệp lễ…, Kinh Thương xót, Kinh Vinh danh…và lễ càng trọng thì càng phải hát nhiều bài, hát những tác phẩm lớn, có giá trị nghệ thuật cao. Hiểu như vậy chỉ đúng một phần, bởi lẽ “tính chất quan trọng đích thực của một buổi cử hành phụng vụ không phụ thuộc vào hình thức ca hát cầu kỳ hoặc phô diễn các lễ nghi cho bằng dựa vào phong cách cử hành sao cho xứng đáng, trang nghiêm và đạo đức”.

Công đồng Vatican II trong Hiến chế về Phụng vụ thánh dạy rằng: “Hoạt động phụng vụ mang hình thức cao quý hơn khi các việc phụng tự được cử hành một cách long trọng, với tiếng hát được các thừa tác viên có chức thánh chủ sự và giáo dân tích cực tham dự”.

Huấn thị De musica in sacra liturgia đã giải thích và phân loại theo các bậc lễ: “Khi cử hành thánh lễ có giáo dân tham dự, nhất là ngày Chúa nhật, nên hết sức coi trọng hình thức lễ hát hơn, dù cử hành nhiều lần trong cùng một ngày”. Và phải phân biệt lễ trọng, lễ hát, lễ đọc, như đã ấn định trong huấn thị năm 1958, số 3.

  1. Thẩm quyền chuẩn nhận CHCT

Các cung hát dành cho chủ tế và tá viên phải được thẩm quyền địa phương (HĐGM) chuẩn nhận.

  1. Hướng dẫn của Giáo hội về việc biên soạn CHCT

Cần tuân theo chỉ dẫn và huấn thị của Giáo hội; cần lưu ý về tầm quan trọng đặc biệt của CHCT; cần khảo sát các cung điệu cổ truyền của phụng vụ La tinh. Ngoài ra, Giáo hội khuyến khích các nhạc sĩ “tiếp tục cung cấp cho Hội Thánh một kho tàng đích thực trong việc thờ phượng Chúa…, đồng thời cũng phải nghiên cứu cẩn thận các quy luật và nhu cầu mới của phụng vụ”.

  1. Khảo sát CHCT trong bình ca

Bao gồm khảo sát về hình thể âm nhạc, điệu tính của giai điệu và bố cục âm nhạc của Cantus ordine missae.

  1. Đôi nét về CHCT

CHCT được biên soạn dựa trên những khảo sát và học hỏi về cấu trúc hình thể âm nhạc mẫu mực của bình ca và về các mẫu mực ứng dụng cung chủ tế tiếng Việt của các tác giả bậc thầy như: Tiến Dũng, Kim Long, Nguyễn Văn Hòa…

Ban biên soạn đã trích lược một số phần trong CHCT để minh họa cụ thể.

Ns P. Kim đã kết luận:

– Các cung điệu trình bày trên chỉ là những khung sườn về cao độ và công thức giai điệu để hát, đọc bản văn. Mỗi địa phương và vùng miền, nên áp dụng một cách linh hoạt để thể hiện bản sắc thanh điệu riêng của mình.

– Các cung điệu trong bình ca được hình thành qua một thời gian dài và được chắt lọc từ nhiều cung điệu qua nhiều thế hệ khác nhau.

– Cung điệu trình bày hôm nay mong nhận được sự góp ý từ các nhà chuyên môn, các nhạc sĩ từ nhiều vùng miền khác nhau và cũng cần có thời gian để thử nghiệm mới đạt tới mức “già dặn” và hoàn mỹ cần thiết.

– Những cung điệu do nhóm biên soạn đã thực hiện sẽ được đưa lên Website, Ban biên soạn mong nhận được sự góp ý về cung điệu này.

Phần Thuyết trình kết thúc lúc 9g15.

Phần góp ý

Sau giờ giải lao, Ban Thánh nhạc đã dành nhiều thời gian để lắng nghe những ý kiến, thắc mắc của tham dự viên. Lm Rôcô và Ns P. Kim đã trả lời và giải thích thỏa đáng để mọi người cùng học hỏi và thực hiện đúng theo sự chỉ dẫn của Giáo hội.

Một số ý kiến đã đánh giá cao việc làm của Ban soạn thảo CHCT; nói lên sự hiệp nhất trong phụng vụ, cần được áp dụng ngay trong tất cả các Giáo phận, các chủng viện. Nhưng trước tiên, cần thử nghiệm trước khi được chuẩn nhận và phổ biến.

Một số ý kiến nhấn mạnh việc bảo toàn tiếng Việt theo các dấu: sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng và tiếng Việt đọc theo cung có định hướng rõ ràng (mi – sol – la), áp dụng theo cung phổ quát thì dù yếu tố vùng miền cũng có thể áp dụng được. Tuy nguyên lý hiệp nhất là quan trọng nhưng vẫn cần phong phú hóa CHCT theo địa phương.

Ns P. Kim nhấn mạnh: “Có nhiều cung hay, sau này Ban Thánh nhạc sẽ tập hợp lại nhưng cần chú trọng cung đơn giản để đạt mục tiêu đơn giản cho chủ tế, nhưng quyền chuẩn nhận thuộc HĐGM”. Lm Rôcô bổ sung “Cách thể hiện cung điệu tiếng Việt”. Ban biên soạn đã lưu ý và dần dần sẽ có những cung long trọng hơn để gởi lên HĐGM xin được chuẩn nhận”.

Nhiều ý kiến đóng góp hữu ích đã được Ban biên soạn cảm ơn và ghi nhận.

Đúc kết của ĐGM Chủ tịch

– ĐGM Chủ tịch cảm ơn Lm Thư ký đã cộng tác với các nhạc sĩ để có những nghiên cứu về CHCT. “Hôm nay, Ns P. Kim đã trình bày cho chúng ta thấy tầm quan trọng của CHCT, đỉnh cao giai điệu của CHCT bình ca”.

– UBTN đang nghiên cứu để thể hiện ý nghĩa trong việc hát phụng vụ Thánh lễ. Các ĐGM đang hối thúc việc soạn thảo cung giọng chung để hiệp nhất trong Giáo hội.

– Chờ khi sách Lễ Rôma phiên bản mới được Tòa Thánh chấp nhận, thì UBTN mới xem xét có nên chèn nhạc CHCT vào sách Lễ không. Trước mắt sẽ lấy ý kiến để xem xét và cần sự cộng tác của nhiều người để CHCT phong phú hơn.

ĐGM Chủ tịch nhận thấy cần phải đem CHCT vào chủng viện để các chủng sinh được đào luyện trước.

ĐGM Chủ tịch cũng bày tỏ niềm vui khi tham dự Hội thảo hôm nay. Ngài cảm ơn sự hiện diện của các tham dự viên, cùng những ý kiến đóng góp trong Hội thảo.

Cuối cùng, ĐGM Chủ tịch thông báo sẽ tổ chức Đêm Thánh ca vào ngày 18-10-2021 và Hội thảo Thánh nhạc lần thứ 48 vào ngày 19-10-2021, tại  TTMV TGP Sài Gòn.

Buổi Hội thảo Thánh nhạc lần thứ 47 kết thúc lúc 11g30, với lời cầu nguyện của Ns Phanxicô: “Tạ ơn Chúa vì những ơn Ngài đã ban cho Hội thảo này. Xin Chúa giúp sức để chúng con có thể phát triển những gì Chúa đã trao cho chúng con làm”.

Sau đó, ĐGM Chủ tịch và các tham dự viên cùng dùng bữa cơm đầy tình thân ái.

Tiến Hương
Ảnh: Đức Hoàng

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *